Một số rối loạn y tế, chẳng hạn như trimethylaminuria, đái tháo đường, hyperhidrosis, bệnh tuyến giáp hoặc bệnh thận và gan làm cho nách của bạn (nách) có mùi xấu. Những người tiết nhiều mồ hôi (hyperhidrosis), tuổi dậy thì, ăn nhiều gia vị có mùi, mắc các bệnh, dùng một số loại thuốc … có khả năng hôi nách nhiều hơn.
Các tuyến mồ hôi bình thường hoạt động ngay khi mới chào đời, thì các tuyến apocrine, chủ yếu ở nách nơi mùi hôi xấu xuất hiện, lại chỉ bắt đầu hoạt động ở tuổi dậy thì, giải thích tại sao trẻ sơ sinh không bao giờ "hôi nách". Ngoài ra, tuyến mồ hôi apocrine được kiểm soát bởi hệ thần kinh tự động, sẽ tăng hoạt khi cơ thể xúc động, stress….
MỒ HÔI TỪ BÊN TRONG CƠ THỂ
Mồ hôi do cơ thể tiết ra thường tập trung nhiều ở nách, bẹn, lông mu, cơ quan sinh dục, rốn, hậu môn.. Bản thân mồ hôi không có mùi gì cả, chỉ khi bị những vi khuẩn phát triển biến đổi thành phần gây ra mùi hôi khó chịu (bromhidrosis).
Hai vi khuẩn da Propionibacterium acnes và Staphylococcus epidermidis thường tiêu hóa mồ hôi sản sinh thành acid propionic, propanoic và axit isovaleric. Axit propionic có mùi chua như giấm, trong khi acid isovaleric có mùi như phô mai.
Vì nách là nơi tập trung nhiều tuyến mồ hôi nhất nên những người cơ thể “có mùi” thường được gọi là bị hôi nách.
Những người tiết nhiều mồ hôi (hyperhidrosis), tuổi dậy thì, ăn nhiều gia vị có mùi, mắc các bệnh, dùng một số loại thuốc … có khả năng hôi nách nhiều hơn.
Bạn đã thực sự hiểu rõ tuyến mồ hôi của mình ?
Con người là sinh vật đẳng nhiệt, cơ thể luôn luôn được duy trì hằng định không lệ thuộc vào nhiệt độ bên ngoài. Nhiệt sinh ra là năng lượng do chuyển hóa thức ăn, và sau khi sử dụng trong các hoạt động cơ thể nhiệt thừa sẽ được mất đi qua dẫn truyền, bức xạ, đối lưu và bay hơi.
Mồ hôi là chất lỏng được tạo ra bởi tuyến mồ hôi với chức năng chính của nó là làm “mát da” và ổn định thân nhiệt, ngăn ngừa nhiệt độ bên trong tăng lên.
Tuyến mồ hôi là tuyến ngoại tiết đặc biệt, có thể chế tiết theo cả ba cách:
- Chỉ tiết mồ hôi tế bào nguyên vẹn (eccrine), chia bớt một phần tế bào (apocrine) và đẩy ra cả tế bào (holocrine).
- Tuyến mồ hôi tiết kiểu “xẻ bớt tế bào” (apocrine) thấy ở nách, bẹn, tuyến vú, vùng sinh dục, mí mắt và lỗ tai.
- Các tuyến mồ hôi apocrine này chỉ bắt đầu hoạt động ở tuổi dậy thì.
Mồ hôi ở những tuyến apocrine thường giàu protein, chất béo….nên vi khuẩn phát triển mạnh và sinh ra ra mùi hôi. Mồ hôi chân dính vào bí tất cũng bị vi khuẩn, nấm phát triển gây ra mùi khó chịu tương tự.
Nách người có nhiều lông và tuyến apocrine nên khả năng tạo mùi nhiều hơn. Hơn nữa, tuyến bã nhờn và mồ hôi apocrine hoạt động mạnh ở tuổi dậy thì có thể gây ra hiện tượng hôi nách, cho nên các tuyến apocrine vùng bẹn sinh dục cũng có vai trò chất “mùi tình dục” (pheromone) liên quan đến việc quyến rủ giao phối.
Một số bệnh lý gây ra hiện trạng hôi nách của cơ thể
Một số rối loạn y tế, chẳng hạn như trimethylaminuria, đái tháo đường, hyperhidrosis, bệnh tuyến giáp hoặc bệnh thận và gan làm cho nách của bạn (nách) có mùi xấu.
1. Bệnh hôi mùi cá (Trimethylaminuria)
Trimethylaminuria (TMAU) là bệnh rối loạn di truyền ảnh hưởng đến việc chuyển đổi trimethylamine (TMA) từ thức ăn sang TMAO (trimethylamine oxide) qua quá trình oxy hóa bởi enzyme FMO3 (flavin monooxygenase 3). Thiếu FMO3, trimethylamine trong cơ thể được thải ra nước tiểu, hơi thở, mồ hôi gây hôi tanh mùi cá.
Không có phương pháp chữa khỏi hẳn hội chứng mùi cá. Cách duy nhất để giảm bớt mùi nách là tránh các thực phẩm giàu chất choline, carnitine, nitơ, lưu huỳnh và lecithin để giảm sự tích tụ trimethylamine.
2. Xeton niệu ở người đái tháo đường
Người đái tháo đường cơ thể sử dụng glucose không hiệu quả và chuyển sang chất béo, nên sẽ sản sinh nhiều chất xeton. Các xê-tôn sử dụng không hết sẽ tích tụ trong cơ thể và được bài tiết qua hơi thở, nước tiểu và mồ hôi.
3. Ra quá nhiều mồ hôi
Mồ hôi quá nhiều (hyperhidrosis) là một rối loạn thần kinh giao cảm mãn tính. Bệnh nhân bị đổ mồ hôi quá nhiều thường dễ bị hôi nách hơn.
Có khá nhiều cách điều trị chứng nhiều mồ hôi như thuốc tại chỗ (muối nhôm), thuốc uống (anti-cholinergic như glycopyrrolate, methantheline bromide, oxybutynin) và các chất chủ vận alpha-adrenergic (clonidin), điện phân (iontophoresis) và toxin botulinum (Botox, Myobloc).
4. Cường giáp Basedow
Trong cường giáp, tuyến mồ hôi tăng tiết khiến nách bị hôi.
5. Một số bệnh về thận và gan
Một số bệnh về gan cũng có liên quan đến hơi thở hôi, mùi thức ăn ôi thiu và mùi thịt thối.
6. Nhiễm nấm
Nấm da, đặc biệt là nấm Candida có thể gây ra mùi hôi nách khó chịu.
Bỏ túi một số phương pháp ngăn ngừa, chữa trị hiện tượng hôi nách
1. Phẫu thuật
Khi các biện pháp ngăn ngừa và dùng thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể dùng phẩu thuật cắt giao cảm ngực nội soi (endoscopic thoracic sympathectomy (ETS), để phá hủy các thần kinh giao cảm điều khiển chế tiết mồ hôi (sweating-controlling nerves) vùng nách tương ứng.
2. Botulinum toxin
Là độc tố chiết xuất từ Clostridium botulinum sẽ ức chế xung động thần kinh từ não xuống tuyến mồ hôi gây giảm tiết. Một liều điều trị có thể kéo dài đến 8 tháng, cần phải do bác sĩ thực hiện.
3. Clorua nhôm (Aluminum chloride)
Nhôm clorua được sử dụng làm thuốc khử mùi. Nó tạm thời tạo thành một gel bôi lên tuyến mồ hôi và đóng các lỗ chân lông, ngăn ngừa đổ mồ hôi.
4. Tránh gia vị có mùi
Hạn chế ăn hành, tỏi, cà ry, giấm, tương chao, mắm ruốc…
5 Khử mùi hoặc chống mồ hôi (deodorant or antiperspirant)
Khử mùi làm cho da nách có tính acid hơn, khiến vi khuẩn khó phát triển. Chất chống tiết mồ hôi ngăn chặn tuyến hoạt động nên ít mồ hôi hơn.
Sản phẩm điều trị và khử mùi hôi nách
6. Giữ nách sạch
Rửa nách thường xuyên với xà phòng sát khuẩn. Cạo hết lông giúp nách thông thoáng dễ khô ráo, mồ hôi bay hơi dễ dàng.
Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng hôi nách là một khổ tâm lớn không chỉ riêng cho người bệnh mà còn cho cả những người thân thuộc chung quanh. Do đó, với những người “có mùi”, đầu tiên là áp dụng những biện pháp vệ sinh thường thức như tắm rửa, chọn áo quần, hạn chế thực phẩm gia vị có nhiều mùi.. sau đó dùng thuốc khử mùi, giảm mồ hôi…Cuối cùng, khi các biện pháp tự thân không cho kết quả, cần đến bác sĩ để được tư vấn hướng dẫn.
Theo TS.BS Trần Bá Thoại
Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam
Tin liên quan
Từ khóa: tuyến mồ hôi, hôi nách, bệnh lý hôi nách, cách chữa trị hôi nách, mồ hôi